
“Xăm hình không xấu, nhưng người xấu thường có hình xăm” là câu hỏi được nghe nhiều nhất từ những người kì thị với bộ môn xăm hình nghệ thuật.
Trước đây, dân xăm trổ chỉ có thể là dân giang hồ, còn bây giờ, người ta không gọi xăm trổ mà gọi là xăm hình nghệ thuật, thế nên khách hàng bây giờ từ dân chơi đến học sinh, sinh viên, công chức, từ tuổi teen cho đến ông già gần 60, nam thanh nữ tú đủ cả.
Có thể xem, xăm hình trên cơ thể đã trở thành một mốt chơi, phát triển thành một nghề. Có hẳn một ngành chuyên cung cấp đầy đủ phụ tùng dụng cụ, mực, các hình mẫu và công nghệ cho nghề này.
Những định kiến ngày xưa về chuyện “chỉ có mấy đứa không ra gì mới xăm trổ đầy mình” đã dần trở nên lạc lõng. Với nhiều người, việc xăm mình không phải để mặc áo hở vai khoe ra, chụp hình up lên Facebook, cũng không phải để che sẹo trên cơ thể.
Đối với họ, mỗi hình xăm được coi như là đại diện cho một lý tưởng, một đam mê họ theo đuổi, hay đơn giản chỉ là một sở thích cá nhân.
Có 3 lí do chính khiến các bạn trẻ muốn xăm mình.
Thứ nhất là những bạn thích thể hiện cá tính, muốn thu hút sự chú ý bằng việc trở nên nổi bật. “Với các bạn này, tuổi trẻ đồng nghĩa với dám nghĩ, dám làm”.
Một nhóm khác có thể kể đến là những bạn coi việc xăm mình là trào lưu, sành điệu, tân thời. Chắc hẳn nếu làm thợ xăm thì rất quen với câu hỏi: “Mình muốn xăm một cái gì đấy nhưng chưa nghĩ ra, bạn nghĩ giúp mình với”.
Phần lớn các bạn trẻ này không hình dung được việc sẽ gắn bó với một điều gì đó vĩnh viễn trong cuộc đời mình, cũng như những rắc rối, hệ luỵ mà các bạn sẽ gặp phải trong học tập, trong công việc sau này.
Có không ít những trường hợp tìm đến thợ xăm với mong muốn xoá hoặc sửa hình xăm cũ thành hình mới. Lời khuyên dành cho những bạn trẻ xăm lần đầu là:
“Hãy yêu quý cơ thể mình, suy nghĩ thật kỹ trước khi xăm và hãy chắc mình đã làm chủ cuộc sống của mình thì mới xăm, tránh trường hợp hình xăm làm ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc và các mối quan hệ của bạn”.
Bên cạnh đó, cũng có không ít người muốn dùng hình xăm để kể câu chuyện về bản thân mình. Mỗi hình xăm với họ đều đẹp theo cách riêng khi gắn với một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời.
Theo lời kể cả một anh thợ xăm cho biết, anh từng gặp vị khách là một ông bố đưa cậu con trai bị thiểu năng trí tuệ đến tiệm xăm hình, cũng nhờ lần gặp mặt ấy khiến anh cảm thấy muốn gắn bó với nghề hơn.
Theo đó, cậu bé từ nhỏ trí não đã không bình thường, trở thành nỗi lo thường trực của bố mẹ. Bỗng một ngày, ông bố đang đi làm thì nhận được điện thoại của vợ thông báo con trai ôm quần áo đi “mất tích”.
May sao, có hàng xóm thấy cu cậu thất thểu ngoài đường, cách nhà 2 km nên dẫn về. Lo lắng, người bố đưa con lên thành phố khám bệnh. Vào viện, ông bố xếp hàng đợi lấy sổ khám, dặn con trai ngồi ngoan một chỗ, nhưng quay lại đã không thấy con đâu.
Khi tìm lại được, 2 vợ chồng bàn bạc, quyết định xăm thông tin cá nhân lên hai cánh tay con, không sợ thất lạc như đeo vòng hay viết chữ. Xăm to để mùa đông mặc quần áo vẫn dễ nhìn thấy.
“Hai ngày liên tiếp tôi suýt mất con. Ai từng trải qua cảm giác đó mới hiểu tôi lo lắng thế nào. Phải đi đến quyết định này, vợ chồng tôi cũng đau lòng lắm”.
Có người lại mang tấm ảnh đen trắng cũ kỹ chụp người mẹ đến, vừa khóc vừa đề nghị anh Hiệu xăm giúp. Và đằng sau đó là một câu chuyện đầy cảm động.
Đằng sau mỗi hình xăm đều là một câu chuyện như thế, nét mực có thể mờ đi theo thời gian nhưng những câu chuyện đằng sau đó sẽ còn mãi.
Hi vọng càng về sau này, con người sẽ có cái nhìn cởi mở hơn, thoáng hơn về những người có hình xăm dù là ở độ tuổi nào, ngành nghề nào.