
Trước khi bén duyên với nghề này, anh Chiến có gần 10 năm trong nghề xăm hình nghệ thuật, anh cũng có tiếng trong giới thợ xăm ở Hà Nội. Ở thời điểm đó, mức thu nhập từ nghề xăm của anh là đáng mơ ước khi đều đặn hàng tháng khoảng 50 triệu đồng, có tháng lên đến 60 triệu.
Nhưng tất cả đã thay đổi sau một cuộc nhậu, khi anh nghe bạn bè của mình kể về cái nghề có tên gọi là “chạm khắc trên đồng hồ”.
Anh Chiến đã “bén duyên” theo nghề theo cái cách chính anh cũng không thể ngờ tới (Ảnh: Internet).
“Một lần đang ngồi nhậu với nhóm bạn thì một anh bạn chuyên bán đồng hồ cao cấp mới bảo tôi, gần đây trên các hội nhóm có xuất hiện nhiều sản phẩm chạm khắc trên đồng hồ, rất lạ và có vẻ “hot”.
Về nhà tôi lên mạng tìm hiểu thì chỉ thấy có thợ nước ngoài làm. Càng theo dõi càng thấy cuốn, tôi nhìn một lần mà mê luôn”, anh Chiến kể lại cuộc nhậu đã đưa anh đến với nghề chạm khắc.
Anh được vợ và gia đình luôn luôn ủng hộ mọi quyết định táo bạo trong cuộc đời (Ảnh: Internet).
Ban đầu anh Chiến tiếp xúc với bộ môn chạm khắc chỉ để thỏa mãn đam mê làm đồ chơi của mình. Sau thời gian tiếp xúc, anh bị cuốn vào bộ môn này lúc nào không hay. Từ lúc tìm thấy đam mê với bộ môn chạm khắc, ngoài thời gian xăm cho khách, mỗi lúc rảnh, anh Chiến hết lên Chợ Trời (Phố Huế) lại lượn về Đê La Thành lọ mọ đi tìm dụng cụ có thể chế làm đồ nghề phục vụ cho công việc chạm khắc.
“Chưa biết bắt đầu từ đâu, máy móc mua thế nào và không biết mình có làm được không, lúc đó tôi chỉ nghĩ là nghề xăm với chạm khắc có nhiều điểm tương đồng, chỉ khác là việc xăm thực hiện trên da thịt con người và chạm khắc làm trên bề mặt đồ vật và tin rằng mình có thể làm được”.
Việc điêu khắc trên mặt đồng hồ với những chi tiết tỉ mỉ cũng như giá trị chiếc đồng hồ vô cùng lớn là điều không hề dễ dàng (Ảnh: Dân Trí).
Thuở đầu mới vào nghề chạm khắc, anh Chiến cũng xác định đây chỉ là “làm chơi” vì nghề này ở Việt Nam hiếm người làm, thu nhập chính của anh vẫn xác định là nghề xăm. Tuy nhiên, vào năm 2020, anh mới bắt đầu có khách đặt hàng điêu khắc và công việc mang lại thu nhập. Thấy ổn, anh Chiến quyết định bỏ hẳn việc xăm, tập trung cho nghề chạm khắc.
“Ban đầu tôi nghĩ cứ đi từ từ, vừa làm vừa học hỏi, phục vụ đam mê của mình trước, khi tay nghề ổn mới làm cho khách để kiếm tiền nhưng không ngờ mới làm được 1-2 sản phẩm đăng lên các hội nhóm đã có khách vào đặt hàng luôn”, anh Chiến chia sẻ. Điều may mắn nhất của anh đó chính là sự ủng hộ của vợ và gia đình, khi lựa chọn từ bỏ nghề xăm đem lại nguồn thu ổn nhưng gia đình hoàn toàn không hề can ngăn.
Sau 5 năm theo đuổi nghề chạm khắc đồng hồ, anh Chiến cho biết thu nhập đã vượt rất xa con số kiếm được từ nghề xăm trước khi. Không chỉ vậy, cái tên Chiến “lì” cũng đã vươn tầm quốc tế khi anh lần lượt có thêm khách hàng đến từ các quốc gia khác như Ả Rập, Hong Kong, Canada…
Nghề điêu khắc trên đồng hồ ở Việt Nam chưa có quá nhiều nghệ nhân theo đuổi (Ảnh: Dân Trí).
“Mới đầu tôi chạm khắc trên các dòng đồng hồ của Nhật, Thụy Sỹ có mức giá vài triệu đến 20-30 triệu đồng. Về sau, nhiều người biết đến đã tin tưởng giao vào tay tôi những chiếc đồng hồ hạng sang, giá hàng trăm triệu đồng như Rolex, thậm chí cả dòng đồng hồ cao cấp như Patek Philippe.
Hiện tại những sản phẩm như dao, khóa túi da, bật lửa… những đơn hàng không quá khó thì tôi hợp tác với anh em thợ khác cùng làm. Còn riêng chạm khắc trên những chiếc đồng hồ giá trị lớn đòi hỏi nhiều kỹ thuật khó như khảm đồng, vàng…. thì phải tự tay làm”. Những khách hàng tìm đến tôi ngoài có kinh tế mạnh còn là những người có cá tính riêng. Mới vào nghề, cầm trên tay những chiếc đồng hồ giá trị lớn tôi cũng rất hồi hộp và áp lực vì chỉ cần làm sai 1 ly là đi 1 dặm. Chẳng may làm hỏng thì phải đền rất nhiều tiền”, anh Chiến kể về công việc.
Tác phẩm Hỏa Long được khảm đồng, khảm vàng 24k vô cùng đẳng cấp được hoàn thiện dưới bàn tay của anh Chiến (Ảnh: Dân Trí).
Nhìn những tác phẩm hoàn thiện tới từng chi tiết nhỏ mới hiểu tại sao nhiều người lại “chịu chi” và chờ đợi đến thế cho việc điêu khắc đồng hồ của họ (Ảnh: Internet).
Không đơn giản chỉ là có tiền là làm được, nhiều khách hàng của anh Chiến thậm chí còn phải chờ đợi tới 2-3 tháng để có thể nhận về sản phẩm hoàn thiện. Tuy nhiên ai nấy cũng đều vui vẻ chờ đợi, bởi có lẽ họ biết rằng sản phẩm họ nhận về từ bàn tay điêu khắc của anh là vô cùng giá trị mà không phải ở đâu cũng có thể làm được.